Chính Đức Giêsu, vị Sáng lập đạo Công giáo, đã phải chịu nhiều sỉ nhục đắng cay và cuối cùng đã phải chết nhục nhã trên thập giá giữa hai tên gian phi.
Sau đó, đến lượt các tông đồ, các môn đệ của Người, lần lượt mỗi người mỗi cách, đã bị giam cầm, tù tội, bị ném đá, bị giết chết chỉ vì danh Chúa Giêsu mà các ngài đã rao truyền.
Đây là “số phận” của các môn đệ mọi thời và mọi nơi, vì như Chúa nói: “Ai muốn theo tôi hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24) và “Vì danh Thầy, người ta sẽ ghét bỏ anh em, nhưng ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu độ” (Mt 10, 22)
Suốt hơn hai mươi thế kỷ qua, Công giáo là tôn giáo bị bách hại nhiều nhất trên thế giới và theo nhận định của Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ, cơn bách hại đạo ngày nay “tồi tệ hơn lúc nào khác trong lịch sử.”
“Khác với các cuộc bách hại đạo trước đây, khi đó các bạo chúa, các hoàng đế, sai quan quân lùng sục, bắt giam, bỏ tù, rồi dùng khổ hình tra tấn và cái chết để bắt các tín hữu phải bỏ đạo, hoặc chấp nhận cúng tế ngẫu tượng kể cả các vua chúa như những chúa tể; những hình thức cấm đạo ngày nay văn minh hơn, thâm hiểm hơn, và ghê gớm hơn. Thay vì dùng nhục hình, tra tấn, bỏ tù hoặc giết chết thể lý, người ta dùng quyền tự do, dùng nhân quyền, dùng luật pháp để loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi tâm hồn nhiều người. Người ta đã nhân danh quyền sống, bảo vệ và phát triển sự sống để khủng bố, để cấm cách, và để lung lạc đức tin nơi các tín hữu.”
Họ dùng những sự kiện công khai, chính thức như sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh như Olympic, nhân danh sự tự do, bình đẳng, bao dung… một cách tinh vi, để đả phá niềm tin của hơn 2.6 tỷ con người.
Họ dùng những hình ảnh dung tục, phô bày những cảnh tượng hoang dại trước mặt những trẻ em, gieo vào tâm hồn trẻ thơ những sự giả trá, nhằm cổ võ cho một lối sống phá vỡ những chuẩn mực đạo đức, chế nhạo các thực hành đức tin, và cố tình cho thấy những giá trị ấy đã lỗi thời.
Trước những kiểu bách hại mới ngày càng tinh vi, người Công giáo cần phải luôn ý thức rằng, là môn đệ Chúa Kitô, không ai và không thời nào, Giáo hội không bị bách hại. Bao lâu còn bị chống đối, bách hại, bấy lâu Giáo hội còn chính nghĩa.