HÌNH THỨC BÁCH HẠI ĐẠO MÀ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO PHẢI CHỊU
Các sử gia thường nhắc đến 3 hình phạt đối với các vị tử đạo trong dòng lịch sử, được xem là những hình phạt tàn độc nhất mà các vị tử đạo phải chịu: Treo thập giá đốt làm đuốc soi đêm tại Roma thời Neron, Dốc ngược thân mình treo trên hố tại Nhật Bản thời Mạc Phủ và Phân sáp-khắc tự tại Việt Nam thời Tự Đức. Đức Cha Tenorld Liêu so sánh Tự Đức có sự bạo tàn như là một Neron tại Việt Nam.

Do muốn triệt tận gốc đạo Giatô, Tự Đức sau nhiều lần bàn định đã quyết định thực hiện chiếu chỉ Phân sáp- cấm đạo Gia tô triệt để năm 1860. Trong năm đó hạ lệnh: triệt hạ thành bình địa tất cả các nhà thờ, dòng tu và các làng Công giáo (quen gọi là Dữu dân: dân ác độc, phân biệt với Lương dân dân tốt lành). Phát lệnh truy nã tất cả các giáo sỹ, thầy giảng trên khắp Đại Nam và treo giá rất cao cho các vị Thừa sai, không kể sống chết. Ước tính đã có trên 100.000 tín hữu bỏ mạng trong thời kỳ Phân sáp này.
Theo lệnh Phân sáp, khuyến khích tiêu diệt toàn bộ tráng đinh công giáo, có nơi như tại Hưng Yên, Hoàng tá Viêm phải buộc người thành chùm thả trôi sông . Ngoài ra còn thực hiện chia tách gia đình của những người có đạo, phân tán họ vào các làng Lương dân, nam riêng nữ riêng, trẻ con được nuôi dạy để không còn nhận mặt cha mẹ và đạo giáo. Điều này hẳn đã gây ra những tang thương khắp nơi đối với dân có đạo, và khi vừa kết thúc chiếu chỉ này và trở về sau cuộc lưu tán, thì các tín hữu lại bị loạn Văn Thân với châm ngôn “Bình Tây sát Tả” tiếp tục tiêu diệt. Có nhiều làng lương dân, vốn có cảm tình và có tình đồng bào, như làng Dương Nội- ngoại ô Hà Thành, đã chứa chấp nhiều gia đình Công giáo trong cảnh khốn khó.
Cách riêng, tất cả mọi người khi bị bắt, trước khi bị phát lưu, sẽ bị KHẮC CHỮ LÊN MẶT, bao gồm họ và tên, nguyên quán và chữ TÀ ĐẠO trên má. Thánh Phaolo Đổng, vị đổng lý của Hưng Yên, khi 60 tuổi bị khắc chữ đã dùng miểng chai nhờ bạn tù rạch đi, sửa thành CHÍNH ĐẠO, dẫu cho bị tra tấn tàn bạo hơn. Đầu thế kỷ 20 nhiều sử gia vẫn còn gặp kể lại về những Kytô hữu hiên ngang khoe dòng chữ này, như một dấu làm chứng cho đạo.
Ngoài ra, họ còn phải đeo các chiếc gông đòn dài 2 đến 3 mét cốt ý để đặt nặng như ách gây khổ sở vướng víu cho tù nhân cũng là một điểm khác lạ để đến chỗ lưu đày, Cha Đắc Lộ khi chứng kiến Chân phước Andre Phú Yên vác gông này, đã gọi đấy là Thánh Gía An Nam.
Duy Luong